Với nhiều người, những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường là những tháng năm hồn nhiên tươi đẹp. Thế nhưng với một số người khác, khoảng thời gian này lại u ám khi luôn bị căng thẳng bủa vây. Để chiến đấu với stress học đường và vô tư tận hưởng “tuổi thanh xuân”, có thể bạn sẽ cần đến những cách giải tỏa stress cho học sinh được Learn With Me gợi ý sau đây.
Đi học vui thật đấy, nhưng cũng stress lắm cơ. Không chỉ việc học hành hay hoạt động ngoại khoá, mà ngay cả mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô,… trong khoảng thời gian này cũng dễ dàng tạo áp lực và tác động đến tâm trạng của bạn.
Căng thẳng chồng chất căng thẳng. Đây là điều ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, sức khoẻ thể chất, tinh thần lẫn sự phát triển của các bạn teen nói chung – đối tượng vốn rất mỏng manh và nhạy cảm.
Bạn cảm thấy mệt mỏi, dù đang ở thời kỳ “nước sôi lửa bỏng“, cần phải tập trung cao độ cho học hành? Bạn cảm thấy mỗi ngày đến trường đều là gánh nặng và mỗi sáng thức dậy chẳng có gì vui? Nếu đang bị stress rút kiệt năng lượng của bản thân đến vậy, hãy thử tham khảo một vài cách giải tỏa stress trong học tập bên dưới nhé.
MỤC LỤC
Những cách giải tỏa stress cho học sinh đơn giản và hữu hiệu
Như đã nói ở trên, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến các bạn teen bị stress, chứ không riêng gì chuyện học tập. Vì vậy, để giải quyết “tận gốc” căng thẳng đang gặp phải, bạn cần tìm ra “thủ phạm” đang tạo áp lực cho mình và xử lý chúng.
Ngoài ra, nếu cảm thấy stress đang vượt qua giới hạn chịu đựng của bản thân, khám tâm lý cũng là sự lựa chọn cần thiết. Bởi stress đáng sợ hơn bạn nghĩ, nhất là đối với lứa tuổi dễ bị tổn thương như các bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trong trường hợp bị stress nhẹ hoặc cần đến những cách giải tỏa stress cho học sinh tạm thời, một vài bí quyết sau đây sẽ hữu ích với bạn:
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, các bạn học sinh lại thường rơi vào cảnh “học ngày, học đêm” nên không thể đảm bảo giấc ngủ mỗi tối. Điều này dẫn đến tâm trạng ủ rũ, uể oải hay thậm chí cáu gắt, mỗi khi bạn rơi vào hoàn cảnh không – như – ý – muốn.
Chính vì vậy, dựa trên lịch trình học tập và sinh hoạt của mình, bạn nên xác lập một thói quen ngủ hợp lý. Hãy cố gắng ngủ tối thiểu 6 – 7 tiếng mỗi ngày và tranh thủ “chợp mắt” khoảng 20 – 30 phút vào buổi trưa.
Theo kinh nghiệm của cá nhân Mee, nếu bạn là người “học đêm tốt hơn học ngày”, hãy cố gắng ngủ trước 23h00, muộn nhất là 23h30. Còn nếu là một “morning bird” như Mee, bạn hãy ngủ trước 10 giờ đêm nhé.
Trong khoảng thời gian đầu, rất khó để bạn hình thành một thói quen ngủ. Tuy nhiên, chỉ cần kiên trì trong khoảng 1 – 2 tháng, não bộ của bạn sẽ quen với giờ ngủ – giờ thức đã được thiết lập sẵn. Nhờ vậy, bạn có thể ngủ đủ giấc mà không cảm thấy mệt mỏi. Từ đó, khả năng tập trung được cải thiện, cơ thể thêm sảng khoái và tinh thần cũng tích cực hơn nữa.
Lên kế hoạch cho bản thân mỗi ngày
Đây là một công đoạn vô cùng cần thiết với bất kỳ ai. Vậy nên trong bài viết 9 cách giúp tập trung học bài hiệu quả, mình cũng từng nhắc đến yếu tố này rồi.
Dù là người thuộc “trường phái” hành động có hệ thống và nguyên tắc, hay là một người thích học bài theo cảm hứng, bạn cũng nên học cách lập kế hoạch cho bản thân mình.
Bởi chỉ khi nào có một bản kế hoạch rõ ràng và phù hợp, bạn mới có thể sắp xếp thời gian học tập hợp lý. Đồng thời tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy” hay bài tập dồn nén cùng một lúc – “thủ phạm” gây ra stress học đường vô cùng khó chịu.
Khi lên kế hoạch, bạn cũng đừng quên đặt ra những mục tiêu cụ thể cho riêng mình. Hãy đặt những mục tiêu vừa sức, không nên ép bản thân phải vươn đến những thứ quá xa vời so với năng lực. Chỉ cần tiến những bước nhỏ mỗi ngày, đến khi nhìn lại, bạn cũng phải ngạc nhiên với hành trình mà bản thân đã vượt qua đó.
Nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý
Học quan trọng thật đấy, nhưng đừng mải học mà quên nghỉ ngơi nhé. Mỗi khi căng thẳng, bạn hãy dành ra một khoảng thời gian ngắn, để…..không làm gì cả. Hoặc đôi khi, bạn cũng có thể áp dụng một vài bí quyết nho nhỏ, để nâng đỡ tâm trạng của mình.
Nếu chỉ có 5 phút, hãy thử hít thử sâu liên tục, uống một ly nước hoặc đi loanh quanh trong phòng. Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn nên ngủ một giấc ngắn.
Mặt khác, bạn cũng có thể “chiều chuộng” bản thân bằng một bản nhạc, một ván chơi game hoặc một tập phim yêu thích. Tuy nhiên, hãy đảm bảo bạn không bị nghiện những thú tiêu khiển hấp dẫn này.
Đảm bảo dinh dưỡng và ăn những món ngon
Có “thực mới vực được đạo”. Khi đã tốn quá nhiều năng lượng để học tập, căng thẳng và lo lắng, bạn cần bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng để bù đắp phần năng lượng đã bị hao hụt này.
Với trải nghiệm của cá nhân Mee, nếu bị “stress” hành hạ, mình luôn ưu tiên những thực phẩm bản thân vừa yêu thích, lại vừa tốt cho sức khoẻ. Trái cây (lẫn nước ép từ chúng) chẳng hạn.
Lâu lâu, mình vẫn cho phép bản thân được ăn đồ ăn nhanh, uống nước có gas, bánh ngọt,… bởi đây là những thực phẩm có thể mang đến cảm giác “an ủi”. Thế nhưng, cám dỗ từ những thực phẩm chẳng mấy “healthy” này cũng không phải dạng vừa.
Do đó, nếu tìm đến chúng, bạn cố gắng kiềm chế và “tiêu thụ” một cách chừng mực. Bởi nếu không, bạn vừa bị stress học đường ghé thăm, vừa thêm căng thẳng bị cân nặng của mình nữa đấy.
Đi dạo và tập luyện thể dục thể thao
Các bạn teen thường tự nhốt mình trong một không gian bí bách và điều này cũng ảnh hưởng đến tâm trạng nhiều hơn bạn nghĩ.
Khi cảm thấy căng thẳng, hoà mình vào thiên nhiên luôn được coi là một phương pháp hữu ích. Bạn có thể đi dạo trong công viên, “thăm” vườn hay chăm sóc một “em” cây nhỏ xíu trên bàn học. Tất cả đều mang đến tác dụng giúp bạn giải tỏa stress tạm thời.
Ngoài ra, có thể bạn không thích môn thể dục (giống Mee), nhưng nếu đang đau đầu vì căng thẳng và lo lắng, hãy vận động cho cơ thể toát mồ hôi. Đây là cách giúp cải thiện tâm trạng vô cùng hữu hiệu. Bởi sau khi “làm nóng” cơ thể, bạn cũng “thông suốt” được nhiều vấn đề.
Biết đâu bạn cần: Quá mệt để nghỉ ngơi? Những cách giải tỏa stress cho người bận rộn
Yêu thương và tự an ủi bản thân
Những bài kiểm tra điểm không tốt, những lời nói gây tổn thương từ người khác, mối quan hệ không tốt lắm với mọi người… Bạn đôi khi chán ghét bản thân mình từ những điều như vậy.
Tuy nhiên, bên cạnh những môn học tại trường hay những kỹ năng mềm quen thuộc, có một điều quan trọng không kém mà bạn cũng nhất định phải học tập và rèn luyện thường xuyên. Đó chính là yêu thương chính bản thân mình. Bởi đây là công việc chẳng ai làm thay bạn cả.
Nếu bạn đã cố gắng học bài thật nhiều, nhưng kết quả lại chẳng như ý muốn, hãy tự an ủi bản thân rằng mình đã làm rất tốt rồi. Có những việc đã xảy ra và bạn chẳng thể thay đổi. Vậy tại sao không nhìn về phía trước để hướng đến những điều tốt đẹp hơn?
Trò chuyện với mọi người
Với nhiều bạn, nhất là những bạn có phần hướng nội như Mee, đây là một giải pháp khó áp dụng. Dù vậy, nếu được, bạn nên trò chuyện với mọi người về những căng thẳng bản thân đang phải đối mặt.
Bố mẹ đang kỳ vọng quá nhiều vào bạn? Hãy trình bày cho phụ huynh về tình trạng của bản thân, nhưng chính bạn cũng không nên hy vọng quá nhiều vào việc bố mẹ sẽ hiểu hết tâm tư nguyên vọng của mình.
Bởi giữa bố mẹ và con cái luôn có một khoảng cách rất xa và không phải bậc phụ huynh nào cũng là những người “tâm lý”. Vì vậy, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần trước, rằng sẽ không nhận được sự đồng cảm nào từ bố mẹ. Khi đó, đừng suy nghĩ quá nhiều vào việc này, nó chẳng giúp ích được gì cả. Hãy cố gắng vào mục tiêu của riêng bạn, vậy là đủ rồi.
Nếu bạn không thể tâm sự vấn đề của bản thân với thầy cô hay bạn bè xung quanh, tìm đến các group học tập trên Facebook cũng là một giải pháp. Bởi bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm học tập, những nhóm học tập này còn là không gian để mọi người tâm sự những điều khiến bản thân phiền lòng. Dù sao tâm sự với người lạ vẫn dễ dàng hơn chia sẻ với những người thân quen mà nhỉ?
Kết:
Những cách giải tỏa stress cho học sinh nêu trên chỉ mang đến tác dụng tạm thời. Bởi nếu muốn giải quyết triệt để tình trạng này, bạn cần xử lý tận gốc nguyên nhân khiến mình căng thẳng.
Tuy nhiên, thay đổi cách bản thân tư duy và suy nghĩ cũng mang đến hiệu quả vô cùng tích cực. Vì vậy, Learn With Me hy vọng rằng bạn sẽ được an ủi được một phần nào đó, khi áp dụng những phương pháp kể trên.
Chúc bạn không chỉ học tập thật tốt, mà còn có quãng đời học sinh vui vẻ và đáng nhớ!