Giống như bao loại văn phòng phẩm khác, sổ làm Bullet Journal cũng “muôn hình vạn trạng” về thương hiệu, kiểu dáng, kích thước, loại giấy,… Vì vậy, ngay cả những ai đã áp dụng cách ghi chép này nhiều năm, vẫn đau đầu phân vân không biết nên chọn loại sổ nào, khi muốn làm một cuốn Bullet Journal thể hiện được “bản sắc” riêng của mình.
Chọn sổ là một trong những bước đầu tiên của quá trình dấn thân vào con đường làm “Bujo-er chuyên nghiệp”. Xét về bản chất, bạn muốn chọn cuốn sổ nào cho Bullet Journal cũng được. Một cuốn vở bình thường, một cuốn sổ trắng tinh hay một cuốn sổ còng sang chảnh. Tất cả đều có thể trở thành cuốn sổ Bullet Journal giúp bạn quản lý bản thân hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu muốn có được một cuốn sổ Bullet Journal xinh đẹp và cá tính, một cuốn sổ giúp bạn được tự do trang trí và thoải mái vẽ vời, bạn vẫn nên tìm đến những sản phẩm vốn được “sinh ra” để dành riêng cho Bullet Journal. Chẳng hạn như 6 cuốn sổ làm Bullet Journal tốt nhất và rẻ nhất được Learn With Me gợi ý sau đây.
MỤC LỤC
6 loại sổ làm Bullet Journal được đánh giá cao
1. Sổ Crabit
Với cả “Newbie” lẫn “Bujo-er” chuyên nghiệp, sổ Crabit là cái tên vô cùng quen thuộc. Hầu như bất cứ ai khi mới làm Bullet Journal đều cân nhắc tìm đến sổ của Crabit Notebuck đầu tiên. Lý do đơn giản lắm. Sổ Crabit khá rẻ, chỉ khoảng 60.000 đến 70.000 đồng 1 cuốn, giấy dày (100gsm) và mịn, nên khi viết không bị lem sang trang sau. Ngoài ra, sổ Crabit cũng đa dạng về thiết kế bìa với cách trang trí trẻ trung, phù hợp với nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, giấy sổ Crabit chỉ “chịu” được bút mực, bút màu, bút brush, highlight thông thường, còn màu nước thì sổ vẫn “bó tay” nhé. Nếu dùng màu nước để tô vẽ, tất nhiên mặt sau sẽ bị thấm mực đó.
Mặt khác, bìa của Crabit cũng dễ nhăn và khâu vận chuyện của Crabit Notebuck thì vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, lâu lâu cũng có bạn “bóc phốt” Crabit khi phải nhận cuốn sổ bị nhăn chỗ này, hư chỗ kia. Rất may là tình trạng này cũng không nhiều lắm. ^^
Shopee: Sổ tay Crabit
2. Sổ Dotgrid
Hàng xóm láng giềng kiêm đối thủ của Crabit Notebuck chính là Dotgrid. Bên cạnh những cuốn sổ trơn, kẻ ngang, sổ chấm (dot) hay sổ caro (grid) như bình thường, mỗi năm Dotgrid còn phát hành sổ Planner được thiết kế sẵn.
Nếu là người bận rộn, không có thời gian để chăm chút cuốn sổ Bullet Journal của mình, bạn nên cân nhắc mua Planner của hãng. Bởi đây là loại sổ đã được chia sẵn khu vực ngày – tuần – tháng và nhiều mục khác. Vì vậy, bạn không phải tốn công đo kẻ để chia mục, mà vẫn có thể tự do trang trí sổ như bình thường.
Các loại sổ làm Bullet Journal của Dotgrid được thiết kế theo style tối giản với một chút cảm giác vintage. Giấy sổ mịn, phù hợp với nhiều loại bút khác nhau. Độ dày của giấy tương đương với sổ Crabit, nhưng kích thước sổ thường nhỏ hơn.
Về giá cả, sổ của Dotgrid mắc hơn sổ của Crabit một chút, nhưng vẫn thuộc mức phải chăng, phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên lẫn dân văn phòng.
Shopee: Dotgrid
3. Sổ Note For Basic
Như tên gọi của mình, Note For Basic là một cuốn sổ vô cùng đơn giản. Bìa sổ với giấy có cùng tone màu trắng, mang đến cảm giác mới mẻ tinh khôi. Như nhiều cuốn sổ làm Bullet Journal khác, Note For Basic cũng có định lượng giấy 100gms, giúp bạn thoải mái viết brush hay highlight những phần quan trọng.
Sổ Note For Basic có 2 size là A5 và A6 với 3 kiểu giấy chính: trơn, kẻ ngang và caro. Trong đó, sổ caro được ưa chuộng hơn cả. Có lẽ là bởi kích thước caro vừa phải, nét cũng không quá đậm, giúp bạn viết và trang trí dễ dàng.
Tuy nhiên, nhược điểm của Note For Basic là dễ bám bẩn, phần bìa cũng không chắc chắn. Vì thế, trong thời gian sử dụng cuốn sổ này, bạn hãy nâng niu em nó một cách cẩn thận nhé.
Ở thời điểm hiện tại, sổ Note For Basic có giá tương đương với sổ Crabit (khoảng 55 – 85k). Bạn có thể mua loại sổ này qua Shopee – sàn thương mại cái gì cũng có.
4. Sổ KLong
Sổ KLong cực kỳ nổi tiếng trong giới học sinh – sinh viên. Có lẽ bởi bên cạnh sản xuất và phân phối các loại sổ, KLong còn chuyên bán vở – đồ dùng học tập không thể thiếu của những ai còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Ưu điểm lớn nhất của sổ KLong là dày và rẻ. Với định lượng giấy 115gsm, hơn hẳn so với những cái tên nêu trên, bạn có thể thoải mái tô vẽ trên cuốn sổ KLong của mình. Song song đó, giá một cuốn sổ KLong 200 trang cũng chưa đến 40.000 đồng, nên kể cả hơi “đỗ nghèo khỉ” một xíu, bạn vẫn dư sức rinh về một em sổ của hãng này.
Điểm trừ của sổ KLong chính là thiết kế vẫn hơi “quê mùa”, dù sở hữu phần bìa khá dễ thương. Ngoài ra, thiết kế của sổ KLong cũng hợp để Take Note hơn là Bullet Journal. Dù vậy, nếu không muốn tốn quá nhiều chi phí cho cuốn Bullet Journal của mình, đây vẫn là một lựa chọn bạn không thể bỏ qua.
Shopee: KLong.vn
5. Sổ Simperie S2
Đây là một sản phẩm của Sotayhandmade – cái tên quen thuộc đối với những tín đồ mê sổ ở Việt Nam. Với Simperie S2, Sotayhandmade mang đến cho một thiết kế thời trang và nữ tính, phù hợp với những cô nàng theo style bánh bèo.
Simperie S2 có định lượng giấy 100gsm quen thuộc, nhưng mịn và đẹp, không hề bị thấm hay hằn bóng sang trang khác. Giấy có màu kem dịu nhẹ và chỉ có một kiểu giấy dot với những đường chấm thẳng hàng; khoảng cách giữa các chấm cũng ở mức vừa phải, nên nhìn thôi cũng đủ thấy “sướng” con mắt rồi.
Simperie S2 là một cuốn sổ mềm với bìa da PU không thấm nước. Sổ có 3 phiên bản màu sắc cho bạn lựa chọn bao gồm Caramel, LightPink và Latte. Tất cả đều xinh xắn và đáng yêu, nhưng hơi thiếu chắc chắn khi chỉ được khâu 3 mũi chỉ. Tuy nhiên, nếu là người dùng sổ cẩn thận, thì đây cũng không phải là điều đáng để bạn bận tâm.
Shopee: Sotayhandmade
6. Sổ còng “tự thiết kế”
Với những người yêu thích sự sáng tạo hay với những ai luôn cầu toàn trong việc ghi ghép, một cuốn sổ còng “tự thiết kế” chính là sự lựa chọn lý tưởng nhất để làm Bullet Journal.
Tất nhiên, không thiếu những cuốn sổ còng đã được thiết kế sẵn cho bạn. Nhưng để tạo ra một cuốn sổ như ý, bạn vẫn nên thử mua bìa còng riêng, giấy sổ riêng kèm theo giấy phân trang,… rồi kết hợp chúng với nhau theo cách của riêng mình. Kết quả là, bạn sẽ có được cuốn sổ không đụng hàng. Nhiều bạn còn in hình idol hay tìm đến bìa còng lấp la lấp lánh, nhìn xinh yêu cực kỳ.
Để mua các “dụng cụ” cho một cuốn sổ còng tự làm, bạn có thể ghé qua một số shop như Itoya, DIY Việt Nam, Crabit Notebook hoặc một số cửa hàng khác trên Shopee. Bạn lưu ý giấy bạn mua phải có kích thước và số lỗ phù hợp với bìa còng nhé. Chứ đừng mua giấy 20 lỗ cho bìa còng 6 lỗ, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” sẽ không áp dụng được với sổ còng đâu nè.
Khi sử dụng sổ còng, bạn tự do thiết kế, thoải mái trang trí và đặc biệt, nếu viết sai hoặc không ưng ý ở một điểm nào đó, bạn chỉ cần xé bỏ tờ giấy khiến mình khó chịu đi là xong (chỉ cần đừng quá lạm dụng điều này). Thế nên, sổ còng mới được coi là “chân ái” của những ai hướng đến sự hoàn hảo đấy.
Kết
Trên đây chỉ là 6 cái tên trong vô vàn các loại sổ làm Bullet Journal. Với các gợi ý của Learn With Me, hy vọng bạn sẽ nhanh chóng tìm ra cuốn sổ làm Bullet Journal phù hợp với cá tính của bản thân. Nếu muốn giới thiệu những “ứng cử viên” khác, bạn đừng quên bình luận bên dưới bài viết nhé!
Đừng quên xem thêm: Bullet Journal là gì? Tất tần tật những điều bạn cần biết về Bullet Journal