Có nhiều lỗi cần tránh khi làm văn nghị luận lắm đó nha. Nếu không muốn bị trừ điểm vì những sai lầm không đáng, bạn đừng quên tham khảo ngay bài viết sau đây!
Ngữ Văn là môn học chính trong chương trình phổ thông nên luôn được các bạn học sinh quan tâm. Ấy vậy mà dù cố gắng rất nhiều và nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều bạn vẫn không thể đạt được điểm tốt môn Văn như mong đợi
Một trong những nguyên nhân nằm ở chỗ bạn chưa có phương pháp làm bài đúng đắn. Qua bài viết này, hãy cùng mình “chỉ mặt điểm tên” những sai lầm phổ biến khi viết văn nghị luận nhé.
MỤC LỤC
Những lỗi cần tránh khi làm văn nghị luận: Bạn mắc phải lỗi nào?
Có kha khá lỗi cần tránh khi viết một bài văn nghị luận. Dưới đây là những sai lầm “quen mặt” nhất nè:
1. Học thuộc lòng
Mình thường nghe không ít bạn than thở rằng họ không thể nào thuộc nổi những bài văn mẫu dài thườn thượt. Nhưng vấn đề ở đây là: Tại sao ta phải học thuộc lòng thay vì tự mình viết ra một bài văn?
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, không khó để tìm thấy trên mạng xã hội hàng loạt bài văn mẫu, mở – kết bài có sẵn, thậm chí đoạn liên hệ sáng tạo mẫu. Thế nhưng, việc học vẹt sẽ giết chết tư duy sáng tạo của học sinh trong văn học, tạo thói quen ỷ lại vào chất xám của người khác.
Không những vậy, văn mẫu không phải do chính mình làm thì rất khó để nhớ, và chúng thường rập khuôn nên không thể áp dụng cho mọi dạng đề thi nghị luận.
2. Tham kiến thức
Đây là một trong những sai lầm phổ biến khi viết văn khiến bạn dễ rơi vào tình huống không kịp giờ hoặc viết lạc đề. Lỗi sai này thường gặp ở các bạn chuyên Văn và có kiến thức sâu rộng về tác phẩm nghị luận.
Do các bạn nắm kĩ nội dung văn bản, có nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, biết cách khai thác tác phẩm theo nhiều góc độ nên lời văn cứ “tuôn trào” trên trang giấy như không điểm dừng. Các bạn mang tâm lí không muốn bỏ những ý tưởng hay, nên cố viết hết tất cả những gì mình biết vào bài.
Bên cạnh đó, mình trước đây cũng từng mắc một lỗi mà ít ai nghĩ đến khi viết văn: sử dụng quá nhiều nhận định và lí luận văn học.
Không thể phủ nhận rằng, nhận định và lí luận văn học thể hiện sự am hiểu của học sinh đối với tác phẩm, góp phần vào điểm sáng tạo của một bài thi môn Văn. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng chúng, bạn vô tình biến bài viết của mình trở thành nơi phô diễn kiến thức văn học một cách gượng ép. Điều đó không những dễ gây lan man, lạc đề mà còn khiến người đọc bị “ngợp” trong những vấn đề chuyên sâu của văn học.
Bài viết sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng người đọc nếu bạn biết đoạn nào chỉ cần nói lướt qua nội dung, đoạn nào cần tập trung xoáy sâu vào phân tích. Bạn chỉ nên đưa vào bài văn từ 4 đến 5 câu hoặc đoạn nhận định, lí luận văn học là đủ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn ra chỉ một hoặc hai chi tiết của văn bản đã cho để nghị luận thật sâu về nó. Làm như vậy, bạn sẽ tạo được điểm nhấn cho bài làm của mình, tránh tình trạng kể lể lan man cũng như không kịp thời gian thi.
Xem thêm:
- 2 trang web dịch tiếng Hàn tốt nhất: Chuẩn, miễn phí, dễ xài
- Kho eBook cho Kindle miễn phí và xịn sò: Note lại ngay
3. Từ ngữ hoa mỹ nhưng sáo rỗng, không hợp hoàn cảnh
Có lẽ một trong những lầm tưởng thường gặp nhất của mọi người là cho rằng một bài văn hay chắc chắn phải có những từ ngữ bóng bẩy trau chuốt hoặc hàn lâm, học thuật.
Trong một số trường hợp, nhiều bạn lạm dụng từ Hán Việt không cần thiết trong khi hoàn toàn có thể sử dụng từ thuần Việt với nghĩa tương đương.
Mỗi từ ngữ đều mang sắc thái riêng – trang trọng hoặc đời thường, cổ điển hoặc hiện đại, nên ta phải sử dụng chúng một cách phù hợp tuỳ vào ngữ cảnh. Dùng thật nhiều ngôn từ hoa mỹ, cầu kì nhưng sai hoàn cảnh chỉ gây sự khó hiểu, mất tự nhiên, tạo cho người đọc cảm giác “ngợp” bởi từ vựng.
Suy cho cùng, nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị chiều sâu cho một bài văn. Ngôn từ chỉ là “cái áo” điểm trang bề ngoài. Chiếc áo đẹp là chiếc áo phù hợp với người mặc nhất, chứ không phải là bộ cánh lộng lẫy, màu mè nhất.
4. Thiếu luận điểm
Luận điểm là một phần quan trọng cần chú ý trong bài văn nghị luận. Trước khi kể đến từ ngữ sắc sảo hay diễn đạt sáng tạo, thì luận điểm rõ ràng, thuyết phục sẽ khiến bài văn của bạn bước đầu ghi điểm trong lòng giám khảo.
Lỗi sai của nhiều bạn khi làm bài thi nghị luận văn học là không xác định luận điểm rõ ràng mà chỉ viết một cách cảm tính, bay bổng lan man. Ví dụ, khi đề yêu cầu phân tích nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), ta chỉ cần khai thác khía cạnh ngôn từ, biện pháp nghệ thuật, nhịp thơ,… thay vì đào quá sâu vào nội dung tư tưởng của đoạn trích.
Để khắc phục lỗi sai trên, trước hết bạn cần đọc kỹ đề bài và xác định từ khoá chính – vấn đề nghị luận. Hãy xem vấn đề nghị luận là một câu hỏi, và bạn phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy dựa vào văn bản đề cho.
Đây cũng là lí do bạn nên lập dàn ý chi tiết trước khi bắt tay vào viết văn – bước quan trọng mà rất nhiều học sinh bỏ qua. Việc lập dàn ý sẽ giúp bạn đảm bảo luận điểm đầy đủ và rõ ràng, tránh bỏ sót ý quan trọng cũng như giúp bạn kiểm soát được thời gian, dung lượng bài viết.
Mình gợi ý các bạn nên đưa mỗi luận điểm lên đầu mỗi đoạn văn, hoặc ít nhất là câu thứ hai hoặc ba trong đoạn. Điều này giúp giám khảo dễ dàng xác định luận điểm hơn, đảm bảo mức điểm cần có cho bài làm của bạn.
5. Liên hệ, so sánh quá qua loa
Liên hệ so sánh tác phẩm đang phân tích với tác phẩm khác là một cách tạo điểm nhấn và gây ấn tượng trong một bài văn nghị luận. Vấn đề là: Liên hệ so sánh như thế nào mới thực sự mang lại hiệu quả?
Sai lầm của những bạn chưa có kiến thức văn học đủ sâu là liên hệ, so sánh một cách quá sơ sài. Các bạn dường như chỉ nhắc đến tên tác phẩm hoặc nhân vật muốn so sánh, viết đôi ba câu về nó.
Làm như thế, người chấm có thể nhận ra ngay bạn chỉ đang dẫn chứng “cho có lệ” và không thực sự thấu hiểu các tác phẩm mình nhắc đến trong bài. Từ đó khó có điểm sáng tạo như bạn mong đợi.
Lời khuyên của mình dành cho các bạn đang gặp tình trạng trên là đọc sách nhiều hơn để mở mang kiến thức về các tác phẩm văn học. Hãy chọn tác phẩm cùng thể loại, đề tài, cùng tác giả hoặc cùng giai đoạn sáng tác.
Khi đưa dẫn chứng vào bài viết, bạn nên chỉ ra điểm khác nhau và giống nhau giữa hai tác phẩm trên phương diện phù hợp: phong cách nghệ thuật của tác giả, hình tượng nhân vật, tư tưởng của thời kì văn học. Đi sâu vào khai thác dẫn chứng sẽ làm nổi bật điểm đặc biệt của tác phẩm bạn đang phân tích, từ đó tạo nên chiều sâu cho bài văn.
Kết:
Bạn thấy bản thân mình trong bao nhiêu lỗi sai cần tránh khi làm bài văn nghị luận mình đã nêu? Nếu có, hãy khắc phục dần để cải thiện kĩ năng viết văn của mình. Việc học văn, suy cho cùng, không chỉ cần sự cảm thụ mà còn cần có phương pháp phù hợp nữa đó.
Chúc bạn học thật tốt nha!
CTV Kim Anh